Trang chủ Trang chủ

Chuyên đề Ngữ văn – Cảm xúc từ những văn bản nghị luận

25/11/2022
Thực hiện nhiệm vụ chuyên môn năm học 2022 – 2023, dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo của Phòng GD&ĐT Quận Ba Đình, chiều 24/11, tổ Văn – Sử trường THCS Thăng Long đã thực hiện thành công tiết dạy Chuyên đề cấp Quận môn Ngữ văn lớp 6: Bài dạy Đọc hiểu văn bản nghị luận – tiết 45 “Nguyên Hồng – Nhà văn của những người cùng khổ”.

Tiết học của cô trò lớp 6D được vinh dự đón tiếp cô giáo Trần Thanh Từng – chuyên viên bộ môn Ngữ văn - GDCD - Tổ trưởng cấp THCS PGD quận Ba Đình cùng các thầy cô dạy Ngữ văn đến từ 14 trường THCS trên địa bàn.

Đây là thử thách không dễ dàng bởi bài học là một thể loại văn bản khó và khô khan, nhưng qua cách khai thác khoa học, mạch bài rõ ràng cùng sự hướng dẫn nhiệt tình, cô giáo Trần Thị Hoài Giang đã mang đến một tiết học thực sự thú vị. Chương trình giáo dục PT 2018, chủ trương bắt đầu dạy đọc hiểu Văn bản nghị luận ngay từ lớp 6, nhưng với mức độ đơn giản, mục đích và yêu cầu đọc hiểu văn bản nghị luận chỉ là: Học sinh nhận biết được đặc điểm cơ bản của loại văn bản này; tức là nhận biết được các yếu tố ý kiến, lý lẽ và bằng chứng (dẫn chứng) trong văn bản nghị luận. Từ yêu cầu đó, BGH nhà trường, tổ Văn Sử đã cùng cô giáo Hoài Giang lên kế hoạch dạy học hiệu quả, phù hợp thực tế khi tăng cường các hoạt động của HS qua việc phân công nhiệm vụ cho từng nhóm tổ như tiểu phẩm, vẽ sơ đồ tư duy từng phần tương ứng với hệ thống ý kiến, lí lẽ và dẫn chứng, tổ chức trò chơi khởi động hay trò chơi củng cố … Qua các hoạt động học tập, HS được phát huy tối đa năng lực bản thân: từ những diễn viên nhí trên sân khấu kịch đến những diễn giả của tương lai qua các bài thuyết trình, đặc biệt là các bài tập sơ đồ tư duy như những tác phẩm nghệ thuật qua bàn tay tài hoa của những họa sĩ tài năng. Tiết học cũng đảm bảo được yêu cầu cần đạt đối với bài đọc hiểu văn bản nghị luận đó là tập trung vào ba hoạt động chính: củng cố kiến thức cơ bản về thể loại, về tác giả và văn bản; trọng tâm tổ chức cho HS tìm hiểu các câu hỏi trong SGK để phát hiện các đặc điểm của văn nghị luận bằng các bài dưới dạng sơ đồ trong phiếu học tập được sử dụng hiệu quả; tổ chức cho HS cùng trao đổi trên lớp để rút ra kết luận sau tiết học. Với giọng nói truyền cảm, cô giáo Hoài Giang không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn truyền cả cảm xúc tới lớp học qua những lời bình, lời nhận xét về cuộc đời của nhà văn đã tạo nên những phút giây lắng đọng, suy tư giúp tiết học một văn bản nghị luận không còn khô khan, nhàm chán.



Sự vững vàng về chuyên môn của cô giáo Hoài Giang, sự hào hứng, chủ động của học trò cùng với sự hỗ trợ, ủng hộ của BGH và tổ chuyên môn đã tạo nên một tiết dạy Chuyên đề thành công. Tiết học nhận được nhiều đánh giá tích cực và đóng góp chân thành của các thầy cô dự giờ. Mong rằng với nỗ lực, tâm huyết và sáng tạo của mỗi thầy cô, chất lượng dạy và học của trường THCS Thăng Long nói riêng và ngành giáo dục quận nói chung ngày một nâng cao, khẳng định vị trí trong giáo dục của thành phố.

 

Phạm Hoàng Anh
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 4/5 trong 9 đánh giá
Chia sẻ: