Trang chủ Trang chủ

GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 11 NĂM HỌC 2022 -2023 CUỐN SÁCH: “ CHU VĂN AN- NGƯỜI THẦY CỦA MUÔN ĐỜI”

17/11/2022
Bài giới thiệu sách tháng 11 của tập thể lớp 6A7 năm học 2022-2023

 

Kính thưa các thầy, cô giáo và các bạn học sinh thân mến!
      Sinh thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Nghề dạy học là một nghề cao quý vào bậc nhất trong các nghề cao quý của xã hội chủ nghĩa, nghề dạy học là một nghề sáng tạo bậc nhất trong các nghề sáng tạo …vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”.
 

https://f8-zpc.zdn.vn/132331607709190074/66db75df5425927bcb34.jpg

Từ ngàn xưa, nhân dân ta đã có truyền thống "tôn sư trọng đạo". Thầy cô là những kỹ sư tâm hồn, suốt một đời thầm lặng như "người lái đò" đưa khách qua sông, đưa các thế hệ học sinh đến bến bờ tri thức.
      Trong bất kỳ thời điểm lịch sử nào, nhà giáo và nghề dạy học luôn được xã hội tôn vinh. Hình ảnh người thầy không chỉ gắn với sự truyền bá tri thức mà còn là tấm gương về lòng nhân ái, đạo đức trong sáng, mẫu mực.
     Để bày tỏ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc tới các thầy cô giáo, nhân ngày 20/11, lớp 6A7 chúng con xin giới thiệu với thầy cô và các bạn học sinh cuốn sách “Chu Văn An – Người thầy của muôn đời”.
     Cuốn sách “Chu Văn An – Người thầy của muôn đời” được in trên khổ giấy 14,5x20,5cm với độ dày 227 trang do nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật ấn hành. Ngoài lời nói đầu, phần kết luận và phụ lục minh họa cho nội dung, cuốn sách được kết cấu gồm 5 chương:
    Chương 1: Quê hương Chu Văn An. Giới thiệu tổng lược về mảnh đất Thanh Trì “địa linh nhân kiệt” giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, mảnh đất “rạng rỡ đất văn, oai phong đất võ”, đã đóng góp cho lịch sử dân tộc nhiều danh nhân văn hóa, trong đó thầy Chu Văn An là một danh nhân tiêu biểu được tôn vinh là “vạn thế sư biểu” (người thầy muôn đời).
     Chương 2: Thân thế và sự nghiệp. Giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của thầy giáo Chu Văn An. Danh nho Chu Văn An (1292-1370), tự Linh Triệt, hiệu Tiều Ẩn, tước Văn Trinh, thụy Khang Tiết, quê làng Quang Liệt, sau đổi là Thanh Liệt, huyện Long Đàm, nay thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Do tài năng và phẩm hạnh, ông được vua Trần Minh Tông mời ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám và dạy dỗ thái tử. Đến thời Trần Dụ Tông lên ngôi, triều đình rối ren, vua quan ăn chơi sa đọa, không quan tâm đến việc triều chính, Chu Văn An đã nhiều lần khuyên can nhưng không được. Quá bất bình, ông đã dâng Thất trảm sớ xin chém đầu bảy tên nịnh thần để mong giữ yên vận nước. Tuy nhiên, Thất trảm sớ không được vua đoái hoài đến, ông đã trả mũ áo từ quan, nêu khí tiết của người thầy và cũng là tấm gương sáng trong về đạo làm tôi cho muôn đời sau noi theo.
     Về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng, Chí Linh (Hải Dương), ông tiếp tục dạy học, viết sách, làm thơ. Các tác phẩm của ông được sử sách ghi lại có Tứ thư thuyết ước để giảng dạy, Y học yếu giải để làm thuốc chữa bệnh và một số sách khác.
    Chu Văn An được tôn vinh là Người thầy của muôn đời không chí vì ông là một nhà giáo tài năng, đã có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp giáo dục Việt Nam mà còn vì ông đã nêu cao tấm gương sáng về đạo làm người. Chính vì vậy, khi qua đời ông đã được truy tặng Tước công - tước phẩm cao nhất trong hạng tước, được tòng tự ở Văn Miếu và được hậu thế dựng đền miếu phụng thờ.
      Chương 3: Sự nghiệp giáo dục. Chu Văn An đã nổi danh từ những năm tháng mở trường dạy học ở quê với “tiếng đồn gần xa, học trò đầy cửa”, Chu Văn An được tôn vinh là “Ông tổ đạo Nho của nước Nam ta”. Ông được vua mời vào triều để dạy các thái tử và giữ chức vụ Tư nghiệp Quốc Tử Giám đầu tiên. Ông đã dạy các thái tử sau này lên ngôi như vua Hiến Tông, Trần Dụ Tông và nhiều học trò thành đạt làm quan trong triều đình, tiêu biểu như Lê Quát và Phạm Sư Mạnh. Nhớ tới Chu Văn An, nhân dân ta còn nhớ tới truyền thuyết về người học trò thủy thần ở đầm Linh Đàm vâng lời thầy kêu trời làm mưa chống hạn và thác vì dân ở nơi đây.
     Chương 4: Sự nghiệp văn chương. Chu Văn An không chỉ dạy học, nghiên cứu y học, viết sách mà ông còn làm 12 bài thơ chữ Hán, thơ của ông mang phong vị hoài cổ, nhưng có nhiều hình ảnh mới lạ, ý tưởng nhẹ nhàng, lời thơ thanh thoát, ngôn từ nhã đạm, “rất trong sáng thoáng nét u nhàn”. Một số bài thơ đã được đưa vào chương trình giảng dạy môn văn học của các trường đại học trong cả nước.
     Chương 5: Một số di tích thờ Chu Văn An. Giới thiệu các di tích ở huyện Thanh Trì như: Đình Chu Văn An (đình nội), Miếu Thổ Kỳ (đền Văn) ở xã Thanh Liệt; Văn chỉ Chu Văn An (đền Huỳnh Cung) ở xã Tam Hiệp; Khu di tích thờ Chu Văn An ở núi Phượng Hoàng, thị xã Chí Linh và về sự lệ thờ Chu Văn An ở Văn Miếu Quốc Tử Giám xưa và nay.
     Cuốn sách “Chu Văn An - Người thầy của muôn đời”  là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách công phu về cuộc đời của danh nhân - nhà giáo - nhà thơ Chu Văn An. Dựa trên nhiều nguồn tư liệu khác nhau, cuốn sách cung cấp cho bạn đọc những thông tin đầy đủ để các thế hệ sau có một cách nhìn tổng quan và sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp và những công lao, đóng góp của thầy giáo - danh nhân Chu Văn An.
        Các bạn nhớ tìm đọc cuốn sách “Chu Văn An - Người thầy của muôn đời” tại thư viện của trường THCS Thăng Long và tủ sách di động của lớp 6A7 nhé!

Tập thể lớp 6A7
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 4/5 trong 2 đánh giá
Chia sẻ: