Quyền học vì chính mình

08/11/2014
HỌC KHÔNG PHẢI VÌ ĐAM MÊ CỦA BỐ MẸ
 "Học để bố mẹ, thầy cô tự hào" là câu văn quen thuộc trong nhà trường phổ thông. Câu cửa miệng này vô tình đã trở thành áp lực và khiến các cô cậu học trò nhỏ sai lệch mục đích phấn đấu. Thay vì tìm kiếm điều mình muốn làm, các con đang làm theo những điều bố mẹ mình muốn. Thay vì học để tốt cho mình, để bản thân thật tự tin, các con đang học để những người lớn xung quanh tự hào. Dù niềm tự hào đó thật phù phiếm.
    Hàng năm, các trường đại học - kể cả những trường có tiếng, có rất nhiều sinh viên học hết năm thứ nhất, thứ hai rồi mà còn bỏ học để thi trường khác. Điều này quả thực rất lãng phí. Một năm là bao nhiêu tiền của và cơ hội. Tại sao 12 năm liên tục suy nghĩ về việc thi đậu đại học  mà không nghĩ thêm một từ nữa thôi, đậu đại học gì?
    Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai (từng là thư ký tòa soạn báo HHT) kể: "Người lớn và gia đình không phải bao giờ cũng đúng. Người lớn biết nhiều nhưng không biết tất cả. 18 tuổi, bạn có khả năng đi bỏ phiếu quyết định vận mệnh của cả một đất nước thì cũng có khả năng hành động quyết định vận mệnh củ chính mình. Hồi THPT, tôi học chuyên Toán Trần Phú rất căng thẳng, mỗi năm phải thi sàng lọc với học sinh trường ngoài. Năm lớp 12, tôi đỗ kì thi sàng lọc, tôi quyết định bỏ chuyên chuyển sang một lớp gấu nhất khối. Ba tôi giận không cất nên lời. Nhưng đó là quyết định sáng suốt nhất trong đời tôi: Giành lại sự bình đẳng để ôn thi môn học mà tôi học rất dốt (TB môn 4,5) nhưng tin là mình rất thích: Môn Tiếng Anh." Và sau đó, khi ngoài 20 tuổi, Phương Mai đã trở thành thư ký tòa soạn báo HHT, rồi lại giành được học bổng thạc sĩ của hai trường đại học châu Âu, rồi lại còn học lên tận Tiến sĩ, chu du tới 60 nước và bây giờ đứng lớp gõ đầu sinh viên "Tây". Và tất nhiên là bố mẹ hết giận rồi!
Vậy đó, đôi khi phải dũng cảm trái ý bố mẹ. Chỉ khi chúng ta thấy thích thú với tương lai, chúng ta mới có thể tự chạy về phái đó với tất cả sức lực mình có và kiên trì vượt qua mọi chướng ngại vật trên đường mà chẳng thấy nản lòng. Đó là cách nhanh nhất để thành đạt.
HỌC KHÔNG PHẢI VÌ HI SINH
 Bạn nghĩ xem, món bạn thích ăn đâu đã trúng là món bố mẹ thích ăn? Nên nếu nhường miếng yêu thích của mình cho người khác, có khi người ta chẳng hạnh phúc khi nhận.
Hãy học vì chính mình. Hãy học để mình không là cục nợ cho ai và hãy sống để không ai phải hi sinh vì mình. Bạn đồng ý không?
Cũng có những bậc phụ huynh hay kì vọng hóa ước mơ, tin là điều bố mẹ ao ước cách đây 30 năm cũng trùng với cái con đang áo ước, biến con thành người hiện thực hóa ước mơ trong quá khứ của mình. Ngày xưa bố mê làm bác sĩ mà không có điều kiện, giờ con phải cố gắng thi đậu đại học Y (Trong khi con nhìn thấy máu me là chỉ muốn té xỉu). Ngày xưa, bố mẹ không có điều kiện vào đại học, giờ con phải thi đậu đại học để mọi người không thể coi thường. Tiếc thay, trong khi chỉ có bạn là biết đích xác mình muốn gì, mình có thể làm gì và cái gì tốt nhất với mình thôi.
HỌC KHÔNG PHẢI VÌ DANH DỰ CỦA LỚP
  Hãy hành xử vì danh dự chính cá nhân mình!
Có vô lí không, khi ở đâu ta cũng nghe kêu gọi hãy vì danh dự của tập thể? Tôi nghĩ không vô lí. Vì chỉ khi mỗi chính thành viên giữ được danh dự thì tập thể mới giữ được danh dự. Mà giữ được danh dự của mình thì dễ dàng và rõ ràng hơn . Danh dự tập thể là cái gì đó quá chung chung. Mà càng chung chung càng khó làm, càng chung chung càng hay bị dối trá.
Khi học và làm vì danh dự của chính mình, bạn sẽ tự khắc lập được kỉ luật cá nhân của riêng bạn, bạn không cần đợi ai theo dõi, không dợi ai ghi nhận. Điều này thật là quý giá. Có trách nhiệm với danh dự của chính mình là cách sống hiệu quả nhất, kỉ luật nhất mà cũng dễ dàng thực hiện nhất.
HỌC KHÔNG PHẢI ĐỂ NGẤT
HHT vừa có bài về hiện tượng học sinh ngất xỉu hàng loạt, nên rất mong bạn hãy tự lo cho chính bản thân mình. Ở Việt Nam, môn Thể dục được coi là môn phụ của phụ, những bạn giỏi thể thao vẫn bị miệt thị: "Đầu óc ngu si, tứ chi phát triển", "dinh dưỡng chỉ vào xương mà không vào não". Một trường dân lập nổi tiếng còn bỏ hẳn môn Thể dục năm lớp 12, làm điểm khống, để đầu tư thời gian cho việc ôn thi tốt nghiệp, Đại học. Không thể phủ nhận rằng kĩ năng vui chơi, giải trí vẫn còn bị coi nhẹ.
Hản bạn đã xem nhiều phim nước ngoài, bạn có thấy hotboy hay hotgirl nào lại không giỏi một môn thể thao hay nghệ thuật chứ? Trong những trường học hiện đại ở những nước phát triển, môn Thể dục thể thao được đặc biệt coi trọng và đầu tư nhiều tiền của. Có rất nhiều loại hình thể thao, bạn không hợp với môn này thì có môn khác để lựa chọn. Các trang thiết bị hiện đại, không gian rộng rãi tiêu chuẩn cao. Khi trường có đội bóng tham gia thi đấu, hiệu trưởng điều động xe bus cho cả trường đi cổ vũ tưng bừng như một ngày hội. Chắc yêu thể thao nên họ cũng biết cách chăm lo cho sức khỏe. Nếu biết đêm phải thức thì chiều ngủ một giấc hoặc nếu có vài bài kiểm tra cùng ngày thì chủ động xin giáo viên dời bài qua ngày khác.
Sự học là việc suốt đời. Đường dài mới biết ngựa hay, bạn có đồng ý không?
Chúng ta từ nhỏ đã luôn được dạy là học cái này để thi, học cái kia để thi, lớn hơn chút là học để đậu đại học và có việc làm. Giờ là lúc cần phải thay đổi. Bạn có quyền học để thỏa mãn ước mơ, học để ngày mai hạnh phúc với chính mình!

Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0/5 trong 0 đánh giá
Chia sẻ: