Lan tỏa kinh nghiệm, bứt phá thành công!

18/02/2023
Sáng ngày 17/02/2023, bốn giáo viên Trường THCS Thăng Long, Ba Đình, Hà Nội cùng tham gia thi giáo viên giỏi cấp Quận, tại trường THCS Thành Công, bao gồm: Cô giáo Hồ Bạch Phượng, Nguyễn Hiền Lương, giáo viên Ngữ văn; cô Chu Thị Mai, giáo viên Lịch sử và cô Nguyễn Thị Oanh, giáo viên Hóa học. Mang theo hành trang trên dưới 20 năm nghề giáo cùng niềm đam mê, say sưa học hỏi, các cô đều rất tự tin, vững vàng ở kì thi này, riêng với cô Oanh, giáo viên trẻ tuổi nhất, bộ môn Hóa là niềm yêu thích, sáng tạo của cô.
Sáng ngày 17/02/2023, bốn giáo viên Trường THCS Thăng Long, Ba Đình, Hà Nội cùng tham gia thi giáo viên giỏi cấp Quận, tại trường THCS Thành Công, bao gồm: Cô giáo Hồ Bạch Phượng, Nguyễn Hiền Lương, giáo viên Ngữ văn; cô Chu Thị Mai, giáo viên Lịch sử và cô Nguyễn Thị Oanh, giáo viên Hóa học.  Mang theo hành trang trên dưới 20 năm nghề giáo cùng niềm đam mê, say sưa học hỏi, các cô đều rất tự tin, vững vàng ở kì thi này, riêng với cô Oanh, giáo viên trẻ tuổi nhất, bộ môn Hóa là niềm yêu thích, sáng tạo của cô.
Một điểm mới của hội thi giáo viên giỏi quận Ba Đình năm học 2022-2023 là quy định tiết dạy tham gia hội thi được tổ chức tại lớp học với nguyên trạng số học sinh của lớp tại một trường khác trong quận để đảm bảo tính khách quan, thực chất của hội thi.
Nhận được sự chỉ đạo sát sao của Ban giám hiệu nhà trường, cùng sự động viên, chia sẻ, giúp đỡ nhiệt tình, đắc lực từ các đồng nghiệp trong tổ nhóm chuyên môn và Hội đồng sư phạm nhà trường, cô giáo Hồ Bạch Phượng đã lựa chọn tiết học của lớp 6 theo sách giáo khoa mới - Bài 7: Thơ (Thơ có yếu tố tự sự, miêu tả) – Thực hành đọc hiểu: “Gấu con chân vòng kiềng” (U-xa-chốp). Tiết dạy có sự đầu tư với các hoạt động linh hoạt; tiếp cận sách giáo khoa mới rất tốt, phát huy được vai trò chủ động tích cực của học sinh. Cô giáo nhấn mạnh được sự liền mạch, cách thức tổ chức phù hợp. Giáo viên phát huy được thế mạnh của mình đó là chất giọng truyền cảm, lời đọc ấm áp, cuốn hút. Đặc biệt, bài học đã có tính liên hệ sâu sắc, đem đến cho học sinh bức thông điệp có ý nghĩa: không nên mặc cảm về hình thức và kì thì về hình thức của người khác.

Cùng dạy bộ môn Ngữ văn, cô Hiền Lương đến với tiết học của lớp 7: Thực hành nói và nghe – Trao đổi về một vấn đề. Ưu điểm của tiết học này là học sinh được nói, được nghe, được thuyết trình, chia sẻ. Cách thức tổ chức tiết học rất đúng với đặc trưng bộ môn.  Có thể nói thành công của tiết học này là nhờ giáo viên đã lựa chọn đúng để thể hiện rõ phương pháp. Thế nên, dù tiếp xúc với giáo viên không nhiều nhưng học sinh đã bày tỏ tình cảm đáng mến: “ Những ngày tháng này con sẽ lưu giữ mãi trong cuốn sổ tay tuổi học trò. Bởi cô đã mang đến cho chúng con những tiếng cười kèm theo đó chính là cách dạy học sáng tạo. Mới đầu, khi chưa tiếp xúc với cô con cứ nghĩ là cô rất khắt khe và sẽ rất khó trong quá trình làm quen cô. Tuy nhiên , cô lại chính là nguồn cảm hứng để con viết đoạn văn này. Con tạo một group rồi cho những bạn sẽ có nhiệm vụ trong tiết học vào và tất nhiên là trong group đấy không thể thiếu cô rồi. Cô kể về học sinh trên trường của mình một cách tự nhiên như chúng ta là bạn của nhau , cô gợi ý cách làm và hướng dẫn tỉ mỉ để ngày hôm đấy mỗi đứa chúng con phải làm gì. Con còn nhớ rõ như in những ngày mà cô trò mình ngồi trong những căn phòng trống vắng kể cả chẳng có bàn cũng chẳng có ghế nhưng chúng ta vẫn miệt mài tập luyện để có một tiết học thành công rực rỡ. Bây giờ đây , suy nghĩ của con như tuôn trào không có từ ngữ nào có thể diễn tả sự tuyệt vời của cô. Cô là ánh hào quang , cũng chính là bước đệm để tất cả 44 học sinh chúng con thử sức với một tiết học quan trọng bậc nhất từ trước đến nay. Khi trống vừa cất lên là đã báo hiệu chuông vào tiết lúc đấy tim con như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực nó đập nhanh hơn cả những gì con tưởng tượng nhưng may mắn rằng con vẫn có thể tự tin trình bày bài thuyết trình của mình. Trong suốt tiết học , con để ý mọi chi tiết xung quanh vì đây quả là tiết học con trân trọng hơn bao giờ hết. Sau 45p chú tâm nghe giảng, hồi trống tan tiết vang lên ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm rồi chụp chung với nhau những bức ảnh tuyệt vời. Con tin chắc rằng cô sẽ là người giáo viên con khắc cốt ghi tâm mãi mãi không thể quên được. Con yêu cô nhiều lắm”.

Đại diện cho Tổ Văn – Sử Trường THCS Thăng Long thi dạy giỏi Lịch sử vòng quận đợt này là cô Chu Mai. Điều đáng ghi nhận và biể dương nhất ở cô đó là tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Mặc dù là thí sinh có tuổi đời cao nhất nhưng cô vẫn không ngừng cố gắng, nỗ lực cao nhất để hoàn thành sứ mệnh của mình. Cô đã mang đến cho học sinh lớp 6A2 Trường THCS Thành công nhiều nét mới trong bài học “Chính sách cai trị của các triều đại phong kiến phương Bắc và chuyển biến kinh tế, xã hội, văn hóa của Việt Nam thời Bắc thuộc”. Không khí lớp học sôi nổi, hào hứng, clip được lựa chọn tiêu biểu, đắt giá, hệ thống biểu bảng tốt; tiết học nhịp nhàng. Hoạt động, tư liệu giờ học phong phú, hình ảnh sinh động. Đặc biệt là giờ học đã mang đến không gian lịch sử phù hợp, tái hiện và trưng bày những đồ dùng, vật dụng của nhà nông với cuốc cày, liềm nón, rơm rạ, những dụng cụ lao động như nơm, đó, giỏ cùng dấu ấn của lĩnh vực thủ công nghiệp với nghề gốm, âu, bình, cho thấy bàn tay người thợ hết sức tài hoa.

          Còn cô Oanh, giáo viên Hóa học cùng đến với tiết học lớp 8 với “Bài luyện tập 5”, cô cho biết: “Môn Hóa học là bộ môn có nhiều thú vị vì nó gắn liền với thực tế cuộc sống. Chính vì vậy, trong những bài giảng tôi đưa ra những phương pháp phù hợp cho học sinh dễ tiếp cận, không quá cầu kì mà học sinh vẫn nắm được vấn đề”. Với suy nghĩ đó, cô đã có ý tưởng xây dựng cho mình một kế hoạch bài dạy dự thi với cách truyền đạt mới mẻ nhằm khơi gợi niềm đam mê Hóa học trong mỗi học sinh. Các con được tham gia trò chơi, hoạt động nhóm. Ở mỗi hoạt động dù dành cho cá nhân hay nhóm, giáo viên đều giao nhiệm vụ rõ ràng, học sinh thực hiện nhiệm vụ tương đối tốt, phát huy được nhiều năng lực cần thiết như năng lực làm việc nhóm, năng lực quan sát, lắng nghe, năng lực làm thí nghiệm…. Sự hào hứng, sôi nổi của các con học sinh làm cho không khí lớp học thật sự vui vẻ, thoải mái là những dấu hiệu cho thấy sự thành công của cô và trò trong tiết học này.

          Có thể nói, các giờ dạy của giáo viên Trường THCS Thăng Long đều được ghi nhận và đánh giá cao từ phía học sinh và đồng nghiệp. Qua hội thi, không chỉ giáo viên dự thi mà các đồng nghiệp trong gia đình Thăng Long đều nhận được nhiều hơn sự sẻ chia kinh nghiệm, tinh thần đoàn kết đồng lòng, ý thức trách nhiệm với tập thể, sự lan tỏa kinh nghiệm, tình đồng nghiệp thân thương, để từ đó thêm yêu nghề dạy học!
BTT
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 5/5 trong 2 đánh giá
Chia sẻ: