GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH “DẤU CHÂN NGƯỜI LÍNH”

25/12/2023
Bài viết đến từ học sinh Nguyễn Hà Linh- Nguyễn Quang Bách lớp 7A5 trường THCS Thăng Long năm học 2023-2024

Tháng 12 về, mỗi chúng ta lại không quên được hình ảnh người lính bộ đội cụ Hồ trên đường hành quân ra trận. “Trùng trùng quân đi như sóng”- khí thế hào hùng đó- hình ảnh kiêu hùng đó luôn khắc sâu trong trái tim bao thế hệ người dân đất Việt.

Nguyễn Minh Châu là một nhà văn - chiến sĩ, trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mảng đề tài chiến tranh chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong sự nghiệp của ông. Tiểu thuyết "Dấu chân người lính" được tác giả bắt đầu viết từ năm 1969, ra mắt độc giả năm 1972. Tác phẩm gồm 17 chương, chia thành 3 phần, phần 1 là "Hành quân", phần 2 là "Chiến dịch bao vây", phần 3 là "Đất giải phóng", tái hiện cuộc chiến tranh ác liệt- qua bước chân của những người lính Trung đoàn 5 trên chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị từ những ngày bắt đầu chuẩn bị đến chặng đường hành quân và cuối cùng là cuộc tổng tấn công.

“Dấu chân người lính” trở thành cuốn tiểu thuyết tiêu biểu cho văn chương của Nguyễn Minh Châu và văn chương sau Cách mạng tháng Tám nói chung. Lần theo bước chân của những người lính, nhà văn đưa độc giả trở về những năm tháng kháng chiến chống Mỹ đầy oanh liệt của dân tộc.

A group of people sitting in a room

Description automatically generated

Với “Dấu chân người lính”, Nguyễn Minh Châu đã cố gắng dựng lại không khí dữ dội của chiến tranh chống Mĩ từ những cuộc hành quân, chiến dịch bao vây, đánh lấn trên từng mét chiến hào, từng mỏm đồi cho đến khi kết thúc chiến dịch, vùng Khe Sanh- Tà Cơn được giải phóng. Ở cuộc chiến đấu giằng co, dai dẳng và đầy thử thách này, quá khứ, hiện tại cùng xen kẽ vào nhau để lí giải cội nguồn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, lí giải nguyên nhân sâu xa làm nên những chiến thắng trước cuộc đụng đầu lịch sử khốc liệt bậc nhất trên hành tinh ở thời điểm bấy giờ - ở cái thời điểm mà một nhà thơ phải thốt lên ngỡ ngàng “Việt Nam - người là ai mà trở thành nhân loại”!

  “Dấu chân người lính” cũng là cuộc hành trình đi theo con đường gian khổ, hào hùng nhưng phơi phới tình yêu và niềm tin của những người lính trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Tiểu thuyết được viết bằng dòng cảm hứng sử thi và lãng mạn cách mạng, mỗi bước chân người lính trên chặng đường chiến dịch như một nốt nhạc cùng tấu lên bản anh hùng ca về một thế hệ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Như một bộ phim tài liệu, mỗi chương, mỗi đoạn là một cảnh quay chân thực và sống động, khi góc máy trên cao là toàn cảnh chiến trường hùng tráng, khi góc máy lại gần là cuộc sống, chiến đấu của từng tiểu đội, từng người lính. Con người rất nhỏ bé trước thiên nhiên nhưng khi lớp lớp người nối bước nhau đã chinh phục thiên nhiên để mở đường cứu nước.

A group of people standing on a stage

Description automatically generated

Trong "Dấu chân người lính", giữa khung cảnh chiến trường rộng lớn, tàn khốc, luôn nổi bật hình ảnh con người - những người lính Trường Sơn dũng cảm, kiên cường. Đó là Chính ủy Kinh dạn dày kinh nghiệm, gần gũi, đầy yêu thương, đức độ; chiến sĩ cần vụ Khuê thông minh, hoạt bát, nhạy bén; trinh sát Lượng nghiêm túc, khô khan; lính thông tin Lữ có tâm hồn nghệ sĩ, rất nhiệt huyết, mạnh mẽ; và người đồng đội thân thiết của Lữ là Cận lại sống nội tâm, luôn lặng lẽ, bình thản…

Theo chân mỗi nhân vật, ta được đến với cuộc sống lính tráng trẻ trung, tếu táo, yêu đời, dùng sự lạc quan để kiên cường vượt qua mọi gian khổ; ta được đến với những trận chiến ác liệt, cam go, nơi những người lính dùng sự dũng cảm, mưu trí để chiến đấu và chiến thắng. Trong cuộc sống ấy, sức mạnh to lớn giúp họ trụ vững là tình đồng đội gắn bó máu thịt mà tác giả đã khắc họa- giữa những người lính với nhau như Lượng và Khuê, Lữ và Cận, Nhẫn và Lượng; hay giữa người chỉ huy và những anh lính của mình như Kinh và Khuê, Kinh và Lượng,… Họ yêu mến và kính trọng nhau, tin tưởng và dìu dắt nhau, chia sẻ, cảm thông cùng nhau những nỗi niềm, tác động, học hỏi lẫn nhau.

Còn bao nhiêu nhân vật, bao nhiêu tình cảm, bao nhiêu câu chuyện không thể kể hết trong “Dấu chân người lính”. Chỉ khi đọc hết mới có thể cảm nhận trọn vẹn bản anh hùng ca hùng tráng về những con người đẹp nhất của một thời vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc.

Nhân dịp kỉ niệm 79 năm ngày Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2023), trân trọng gửi tới quý thầy cô, các bậc cha mẹ và các bạn học sinh cuốn tiểu thuyết “Dấu chân người lính” của nhà văn Nguyễn Minh Châu như một lời tri ân với thế hệ cha anh đã hi sinh tuổi trẻ, xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc!

Cuốn sách đang có trong thư viện trường THCS Thăng Long. Mời thầy cô và các bạn tìm đọc!

 

Nguyễn Hà Linh- Nguyễn Quang Bách
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 4/5 trong 22 đánh giá
Chia sẻ: