Trang chủ Tin tức - sự kiện Bài viết của GV-HS

Sống đổ lỗi cho người khác: Tốt hay xấu?

10/11/2023
Bài viết của học sinh Phạm Minh Anh – Lớp 8A4 trường THCS Thăng Long năm học 2023-2024

Chúng ta đang sống trong xã hội của thời đại 4.0, một xã hội của nền văn minh đang được cập nhật và phát triển. Sự văn minh ấy xuất phát từ từng cá nhân trong xã hội thì mới có thể vun đắp lên một XH văn minh sạch đẹp. “Sống hay đổ lỗi cho người khác” đang là hành vi mà một bộ phận người trong XH đang diễn ra, và họ không hề biết sửa đổi.

Đầu tiên, sống đổ lỗi cho người khác là như nào? “Đổ lỗi” là hành vi con người cố tình chối bỏ lỗi lầm của mình, đùn đẩy trách nhiệm hoặc viện cớ do lí do khách quan, hoặc đổ tội cho người khác. Đáng lẽ ra, ai làm gì thì cũng phải chịu trách nhiệm trước hành động của bản thân, nhưng không, khi có lỗi xảy ra họ luôn cố gắng đùn đẩy sai lầm đó do cho hoàn cảnh và những người xung quanh mà không dám đứng ra nhận lỗi. Câu cửa miệng của những con người ấy mỗi khi bị người khác hỏi về lỗi lầm phạm phải là “Tại vì thế nọ, tại vì thế kia…”. Đó chính là sự tự hạ thấp lòng tự trọng của bản thân cũng như thiếu sự tôn trọng đối với người khác.

Biểu hiện của hiện tượng trên đang phổ biến ở khác nhiều nơi. Trong công việc, nếu chúng ta làm việc không có trách nhiệm, khi có lỗi sai lại đùn đẩy thì không chỉ dẫn đến thất bại mà còn ảnh hưởng đến sự đoàn kết của tập thể. Ở trường, lớp, việc chúng ta sai chưa ảnh hưởng tới kinh tế, nhưng sẽ ảnh hưởng tới công việc chung như trong làm việc nhóm, chỉ cần sai một lỗi nhỏ mà không rà soát lại kĩ càng thì sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ bài thuyết trình. Nhưng bạn cứ đùn đẩy hết người này tới người kia, dẫn tới kết cục cả nhóm bị trừ điểm đó là sự thiếu tôn trọng, sự ích kỉ, hèn nhát của bản thân mà ảnh hưởng tới một tập thể.

Từ đâu dẫn tới hiện trạng đó? Đầu tiên xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm và tự trọng của bản thân mỗi người. Lòng ích kỉ luôn đặt bản thân mình lên đầu chỉ nghỉ bản thân không quan tâm cảm xúc người khác nên không cần nhìn nhận sự việc mà cứ thế đổ lỗi. Việc đổ lỗi cũng xuất phát từ sự sống thiếu trách nhiệm với bản thân. Tại sao không thấy rằng mình sai thì mình nhận, từ đó mà rút ra được kinh nghiệm cho bản thân mình để lần sau sửa sai thành đúng. Thiếu trách nhiệm với bản thân, thiếu đi lòng dũng cảm và sự thật thà, thứ mà chúng ta luôn đề cao trong bản chất con người. Hay thậm chí, là từ trong cách nuôi dạy con trẻ, khi một em bé vấp ngã ở đâu, người lớn luôn có câu nói rằng: “A mẹ thương, đánh chừa cái sàn hư này,…” hay nếu em bé có những hành vi không đúng mực lại được bao biện bởi lối nghĩ “Nó còn nhỏ đã biết gì đâu”. Ở lớp, thấy con mình học không tốt có phụ huynh sẽ nghi ngờ năng lực GV mà chưa cần hỏi con mình học như thế nào, có tự giác làm bài hay nghiêm túc nghe giảng không? Hay khi con mình làm điều xấuđã vội đổ lên người bạn của con, cho rằng do con chơi với những người xấu nên như vậy, chứ bản chất con mình hoàn toàn trong sạch và đẹp đẽ. Nhưng họ đã quên đi mất rằng nếu con tốt đẹp thì dù có chơi với ai cũng không dễ bị ảnh hưởng, thậm chí còn làm cho người khác tốt lên.

Việc sống đổ lỗi cho người khác sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng cho bản thân, xã hội. Đầu tiên, đó chính là mất đi những người thật lòng yêu quý mình. Tiếp theo, đó sẽ tạo nên sự ích kỉ lớn, đặt cái “tôi” của bản thân lên quá cao. Họ không biết suy nghĩ cho bản thân người khác, chỉ nghĩ tới “mình được hay mất cái gì” để thực hiện. Còn những người khác có được lợi hay không, có vui hay không thì kệ họ, mình không cần quan tâm. Những người hay đổ lỗi thì rất khó để có thể thành công. Tiến sĩ tâm lý học lừng danh Menis Yousry, tác giả cuốn "Tìm lại chính mình", nói rằng: "Những người luôn đổ lỗi cho người khác là những người không bao giờ thành công, bởi bạn sẽ không thể biết được mình thất bại ở điểm gì để lần sau còn rút kinh nghiệm". Nếu chúng ta cứ mãi nghĩ cho lợi ích cá nhân trước mắt mà quên đi sau nó có những gì, quên đi trong tương lai nếu phạm vào thì có đổ được lỗi cho ai không? Đừng vì ngọn cỏ trước mắt mà quên đi phía sau nó là cả cánh đồng, nhận lỗi của bản thân để nhớ rằng sau này mình sẽ không phạm phải sai lầm đó nữa, rút kinh nghiệm cho bản thân để trưởng thành hơn.

Là một ngươi trẻ, tôi tự ý thức được hậu quả của việc sống đổ lỗi cho người khác nghiêm trọng đến như thế nào. Vì vậy, chúng ta hay sống cho đúng, hãy luôn sống có ích từng ngày, có trách nhiệm với cuộc sống của chính chúng ta để dù tương lai có thế nào cũng không bao giờ phải hối tiếc.

 

Phạm Minh Anh – Lớp 8A4
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 5/5 trong 13 đánh giá
Chia sẻ: