“Tháng ba sang, lại một mùa Tết mới - Tết Hàn Thực”

08/04/2024
Với tiêu chí nuôi dưỡng mầm non tương lai, “Khởi nguồn ước mơ” một cách hiện đại và đổi mới nhưng không làm trẻ quên đi những giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc, tập thể lớp 6A4 chúng tôi được cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Hiền Lương phát động cuộc thi: “Làm bánh trôi bánh chay”.
Với tiêu chí nuôi dưỡng mầm non tương lai, “Khởi nguồn ước mơ” một cách hiện đại và đổi mới nhưng không làm trẻ quên đi những giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc, tập thể lớp 6A4 chúng tôi được cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Hiền Lương phát động cuộc thi: “Làm bánh trôi bánh chay”.

    Từ khi cô thông báo, chúng tôi đã vô cùng háo hức mong chờ hoạt động bổ ích này. Rồi ngày đó cũng đến - Thứ Sáu ngày 5 tháng 4 Dương lịch. Cả lớp chúng tôi ai nấy đều háo hức, xôn xao. Tôi biết có nhiều bạn đã từng được làm bánh trôi, bánh chay tại nhà, cũng có bạn chưa làm bao giờ nên khá bối rối. Nhưng khi cô phát động cuộc thi các bạn học sinh lớp tôi đều có một điểm chung đó là rất muốn được cùng bạn bè tham gia hoạt động trải nghiệm này. Chắc chắn nó sẽ đầy ắp niềm vui và tiếng cười.
  Từ tiết đầu tiên của giờ chiều, qua cửa lớp, tôi đã thấy  cô tất bật. Cô búi tóc cao, mặc chiếc váy màu xanh ngang đầu gối, chạy đôn, chạy đáo để chuẩn bị cẩn thận từ khâu nguyên liệu đến dụng cụ. Cô chia đầy đủ nguyên liệu vào các mâm. Nào bột, đường, vừng và cả những viên đậu xanh xinh xắn đã được cô tôi cẩn thận làm sẵn. Chúng tôi cảm nhận được sự tỉ mỉ và tâm huyết của cô trong từng việc làm. Cô vẫn dạy chúng tôi: Truyền thống văn hóa là gốc rễ của mỗi con người.

  Chúng tôi bắt đầu chương trình vào tiết 4. Đầu tiên, chúng tôi được giới thiệu về nguồn gốc của bánh trôi bánh chay qua màn trình chiếu của bạn Lam Phương. Qua phần tìm hiểu của Phương tôi biết ngày 3 tháng 3 Âm lịch còn được gọi là Tết Hàn Thực. Mặc dù có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng ý nghĩa của ngày Tết này ở Việt Nam lại mang nét riêng. Đó là dịp để con cháu tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên của mình. Đặc biêt, ngày hôm nay tôi mới biết ý nghĩa của 2 chiếc bánh nhỏ xinh, đáng yêu này:
“Bánh trôi tượng chưng cho 50 con theo mẹ lên núi
Bánh chay tượng chưng cho 50 con theo cha xuống biển”

  Sau phần giới thiệu là đến màn thực hành – phần chúng tôi mong chờ nhất. Mỗi tổ được phát một mâm đầy đủ nguyên liệu mà cô đã chuẩn bị. Chúng tôi được mẹ của bạn Minh Hải hỗ trợ chia bột và hướng dẫn cách làm của từng loại bánh. Để đảm bảo vệ sinh, chúng tôi cùng nhau đi rửa tay rồi sau đó quay trở lại để làm bánh.
  Nhóm tôi làm rất nhanh vì có sự đoàn kết của các thành viên trong tổ, sau đó đem đi luộc - phần công việc này được cô và các bác phụ huynh trợ giúp vì phải tiếp xúc với nước sôi,  không cẩn thận có thể bị bỏng. Chúng tôi đứng bên cạnh nhìn cô luộc bánh, cô vừa luộc vừa giải thích cho chúng tôi:
  • Các con có biết câu thơ “ Bảy nổi ba chìm với nước non” không? Câu thơ đó vừa nói về cách luộc bánh trôi, vừa nói về thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Nên khi các con thấy bánh  nổi lên thì phải vớt ra ngay và cho vào bát nước lạnh.
  
Nhờ những điều mà cô nói mà tôi thấy văn hóa Việt Nam mình thật đặc biệt. Đứng cạnh cô, hơi nóng bốc lên từ bếp khiến kính tôi mờ đi,  tôi cảm thấy khó chịu thế mà cô trực tiếp đứng bếp, tay thoăn thoắt vớt bánh, lại giải thích tường tận cho chúng tôi nghe. Tôi nghĩ chắc cô mệt nhưng không nói nên chúng tôi chẳng ai bảo ai mỗi bạn làm một việc. Bạn thì quạt cho cô, bạn thì vớt bánh, lấy đĩa.... Ai cũng háo hức xem thành phẩm của đội mình nên tích cực làm.
Kết thúc buổi trải nghiệm, cô công bố cả bốn tổ đều dành giải nhất. Tôi biết cô không muốn bất cứ ai phải thất vọng nên cô mới nói vậy. Và chúng tôi được thưởng thức thành quả của bản thân là những chiếc bánh trôi, chay ngon lành. Chiếc bánh của niềm vui và hạnh phúc.

 Khi về nhà tôi đã hãnh diện khoe với mẹ:”Con biết làm bánh rồi đấy nhé! Tết Hàn Thực sắp tới con sẽ trổ tài cho cả gia đình xem”.
   Chúng con cảm ơn các thầy cô giáo, đặc biệt là cô giáo chủ nhiệm kính yêu của con. Nhờ có thầy cô mà chúng con mở mang kiến thức và có biết bao kỉ niệm đẹp tuổi học trò dưới mái trường Thăng Long yêu dấu.
Học sinh : Lam Khuê ( lớp 6A4)
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 4/5 trong 48 đánh giá
Chia sẻ: